• 0908.403.704
  • info@kynguyenbarcode.com
  • Số 23 Đường 26 Phường Linh Đông, Thành Phố Thủ Đức

Lược Sử Ngành In

Bạn có bao giờ tự hỏi, quyển sách mà chúng ta đang đọc, những hoa văn trên quần áo, những nội dung trên những vật dụng, những tấm biển quảng cáo, những tờ rơi mà chúng ta trông thấy hằng ngày — chúng là gì? Con người tạo ra chúng như thế nào? Và chúng xuất phát từ đâu?

Chúng được gọi là “sản phẩm in ấn”, thông qua quá trình tái tạo lại hình ảnh và nội dung được thiết lập bởi con người cùng với công cụ và máy móc. Quá trình đó được gọi là “In ấn”. Chúng xuất phát từ đâu? Hãy để tôi kể cho bạn cách mà mọi thứ bắt đầu.

I. Khởi đầu ngành in

Từ thời xa xưa, con người đã biết lưu giữ hình ảnh và văn bản bằng cách sao chép lại nội dung từ mẫu chính hoặc biểu mẫu thông qua công cụ được gọi là bản in.

Cụ thể, vào thế kỷ 2–3 TCN, tại Trung Quốc đã phát triển loại hình in ấn đầu tiên được gọi là “in mộc bản” hay woodblock printing. Những phiến gỗ được khắc nội dung âm bản, được sử dụng để in trên vải hoặc giấy. Loại hình này sau đó đã phát triển rộng rãi khắp Đông Á, rồi đến Trung Á, Trung Đông, châu Âu thông qua “Con đường tơ lụa”.

( Bản in mộc bản cổ nhất còn tồn tại: Diamond Sutra (Kinh Kim Cang) – năm 868 tại Trung Quốc. Nay được lưu giữ tại thư viện Anh)

Khi nhu cầu in ấn tăng cao do ảnh hưởng của tôn giáo và các nền văn hóa — cụ thể là in ấn kinh sách, tiền giấy — thì tại Trung Quốc vào thế kỷ 11, một người đàn ông tên Bi Sheng hay Tất Thăng đã phát minh ra kỹ thuật in “chữ động” hay movable type, bằng cách sử dụng các ký tự làm bằng đất sét nung. Mỗi ký tự là một “con chữ” riêng biệt, có thể tái sử dụng.

Tuy nhiên, hệ thống chữ Hán phức tạp khiến kỹ thuật này không phát triển mạnh ở châu Á. Những cải tiến tiếp theo dựa trên kỹ thuật này đều không có gì thực sự khác biệt cho đến khi cuộc cách mạng in ấn ở châu Âu xảy ra.

(Tiền giấy được in tại Trung Quốc vào khoảng đầu thế kỷ 13 đã sử dụng mười loại con chữ di động bằng đồng)

II. Cuộc cách mạng in ấn ở châu Âu

Trước thế kỷ 15, sách và tài liệu ở châu Âu chủ yếu được chép tay bởi các tu sĩ trong tu viện. Công việc này mất rất nhiều thời gian, chi phí cao và dễ xảy ra sai sót. Vì vậy, sách cực kỳ hiếm và chỉ giới hạn trong giới quý tộc, học giả và Giáo hội. Nhu cầu phổ cập tri thức và lan truyền kiến thức đòi hỏi một phương pháp sản xuất sách nhanh hơn, rẻ hơn và chính xác hơn.

Khoảng năm 1440 tại Mainz, Đức, một người đàn ông tên Johannes Gutenberg đã phát minh ra máy in sử dụng “chữ rời bằng kim loại” – một trong những phát minh vĩ đại nhất của lịch sử. Những yếu tố quan trọng trong phát minh của ông bao gồm:

  • Chữ rời bằng kim loại: Có thể tháo rời và tái sử dụng linh hoạt.
  • Hệ thống ép in thủy lực: Mượn từ kỹ thuật ép nho làm rượu, giúp tạo áp lực đều và mạnh khi in.
  • Mực in gốc dầu: Bám tốt hơn trên kim loại và giấy so với mực gốc nước.
  • Kỹ thuật dàn trang chính xác: Tăng tính thẩm mỹ và dễ đọc của văn bản in.

(Sản phẩm in nổi tiếng nhất của ông là Kinh Thánh Gutenberg xuất bản năm 1455)

Johannes Gutenberg được gọi là “cha đẻ” của ngành in hiện đại. Chiếc máy in đầu tiên do ông tạo ra đã mang tới bước ngoặt lớn trong việc sản xuất sách hàng loạt, mở đầu cho thời kỳ phổ biến tri thức và phát triển văn hóa – gọi là “Kỷ nguyên In ấn”.

Đến năm 1843 tại New York, Hoa Kỳ, với tài năng và niềm đam mê trong kỹ thuật in ấn, Richard March Hoe đã phát minh ra máy in “xoay trục” hay Rotary Printing Press, thay thế kỹ thuật in sử dụng chữ rời bằng kim loại đã cũ.

Những yếu tố quan trọng của máy in xoay trục:

  • Sử dụng ống trục xoay thay vì mặt phẳng như các máy in truyền thống.
  • Giấy được nạp vào liên tục, chạy qua các trục in tròn, giúp in liên tục và tốc độ cao.
  • Thích hợp để in số lượng lớn – đặc biệt là báo chí, tạp chí và tài liệu phổ thông.

Máy của Hoe có thể in khoảng 8.000 tờ mỗi giờ — nhanh gấp nhiều lần so với các máy in phẳng truyền thống.

Đây là tiền thân của những công nghệ in xoay trục vẫn sử dụng đến ngày hôm nay như in offset, in ống đồng, in flexo.

III. Ngành in trong thời đại số hóa

Vào những năm cuối thế kỷ 20 đến nay, thế giới đã có những bước tiến lớn trong việc phát triển công nghệ cao. Ta gọi đây là “thời đại số hóa”, nơi mọi thứ được thiết lập tự động, nhanh chóng và chính xác. Ngành in cũng chịu sự tác động của thời đại này và cho ra đời hàng loạt những công nghệ mới, những cải tiến mang tính đột phá để hướng tới mục tiêu: in đẹp hơn, nhiều hơn, nhanh hơn, tiết kiệm hơn.

Ngày nay ngành in đang chuyển mình mạnh mẽ — từ một ngành thủ công sang một ngành dịch vụ công nghệ cao, đáp ứng linh hoạt khách hàng. Sự thành công sẽ thuộc về những đơn vị in ấn biết đổi mới, ứng dụng công nghệ, và tích hợp kỹ thuật số vào sản phẩm truyền thống.

Với tinh thần tôn vinh những giá trị của những người đi trước, Mã Vạch Kỷ Nguyên luôn tiến bước với tinh thần học hỏi và trau dồi những nâng cấp mới, kỹ thuật mới trong ngành in, nhằm mang lại giá trị tốt đẹp cho Quý khách hàng đã tin tưởng và lựa chọn Mã Vạch Kỷ Nguyên.

Tài liệu tham khảo:

– Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/In_ấn

– Britannica.com: “Printing”, Encyclopaedia Britannica

– History of Printing: www.historyofprinting.org

Bài viết khác

0908.403.704 0908403704 @barcode.century